Dị ứng với thực phẩm

Dị ứng (allergie) là một phản ứng khác thường của cơ thể trước một chất lạ. Chất nầy được gọi là protéine allergène, kích thích hệ miễn dịch để gây ra phản ứng dị ứng. Phản ứng có thể được biểu hiện từ dạng rất nhẹ như làm đỏ da, chảy nước mũi, ngứa ngáy dạng rất nặng gây khó thở và có thể chết.

Trường hợp nầy khoa học gọi là hiện tượng quá mẫn (reaction anaphylactique), rất nguy hiểm. Dị ứng có thể gây nên bởi thực phẩm, bởi thuốc men, hoặc sau khi bị sâu bọ, côn trùng, ong, chích phải hoặc đôi khi do thời tiết gây ra, v.v…

Phản ứng dị ứng cũng còn có thể xảy ra do khi chúng ta hít thở hoặc tiếp xúc với hóa chất lạ, với mỹ phẩm, với cao su hoặc plastic, với lông chó, lông mèo, hoặc với một loại nhụy phấn hoa (pollen) nào đó.

Dị ứng có tính cách cá biệt riêng rẽ cho từng người. Một người có thể bị dị ứng đối với nhiều chất khác nhau.

Tại Canada, đa số phản ứng dị ứng thường được gây ra bởi 1 trong 9 loại allergènes sau đây: đậu phọng (arachides, peanuts), hạt dẻ (noix, nuts), hạt mè (graines de sésame), sữa, trứng gà, cá tôm sò ốc, đậu nành (soja, soybean), bột mì (blé, wheat) và sulfites (sulphites).

 

Dị ứng xảy ra bằng cách nào?

Khi tiếp xúc với một chất gây dị ứng (allergène), cơ thể sẽ phản ứng lại bằng cách tạo ra trong máu một loại kháng thể (anticorps) đặc biệt gọi là Immunoglobuline E (IgE)… IgE sau đó sẽ bám vào tế bào mastocytes (mast cells) là một thành phần của mô liên kết nằm dưới da cũng như tại vùng niêm mạc (hô hấp, tiêu hóa, mắt, mũi, v.v…).

Để cho hiện tượng dị ứng đối với một chất có thể xảy ra thì cơ thể cần phải được cảm ứng (sensibiliser) trước đó nghĩa là trong quá khứ hoặc lúc nhỏ nó đã có tiếp xúc với thức ăn hoặc chất lạ allergène đó rồi. Trong lần tiếp xúc đầu tiên nầy, hệ miễn dịch sẽ tạo ra kháng thể IgE và bám vào mặt ngoài của các tế bào mastocytes.

Trong tương lai, khi chúng ta ăn một thực phẩm có chứa allergène lạ nói trên thì kháng thể IgE sẽ dễ dàng nhận biết và khơi màu cho tế bào mastocytes giải phóng các hóa chất trung gian (médiateurs chimiques), mà quan trọng nhất là chất histamine.

Chính histamine đi đến các mô, bám vào các thụ thể (recepteur) H1 hiện diện hầu như khắp nơi trong cơ thể để gây ra các phản ứng viêm sưng (inflammation), tăng sức thẩm thấu của các mạch máu nhỏ, làm đỏ da, gây phù thũng (oedème), ngứa ngáy, chảy nước mắt nước mũi, khó thở…

Ngoài ra, một loại thụ thể khác là H2 nằm trong dạ dầy và có nhiệm vụ trong việc tiết chất acide chlorhydrique.