Nấm Mối
- 466 Views
- admin
- August 24, 2018
- Dinh dưỡng
Theo một số cư dân miệt Mái Dầm (Phú Hữu, Châu Thành, Hậu Giang), nấm mối chỉ xuất hiện ở đây đúng vào sáng sớm mồng năm tháng năm âm lịch, rồi tàn ngay khi mặt trời vừa rạng . Vì là của hiếm nên mọi nhà phải thức thật sớm để tranh thủ hái những tai nấm mọc đầy các gốc tre còn man mát sương đêm.
Tuy nhiên, nấm mối không phải chỉ xuất hiện vào ngày Tết nửa năm tại Phú Hữu, mà có mặt ở nhiều địa phương khác, sau nhiều ngày “nực giông nực mưa”, trời ầm ào đổ mấy cơn mưa đầu mùa. Tiết trời mát dịu, nước mưa thấm vào đất, tạo nóng ẩm khiến từ các bụi tre, các ổ mối, các vườn dừa, nơi có rễ cây mục nhú lên những tai nấm có màu trắng hồng, bum búp, cao chừng 2cm. Nhỏ hơn nấm rơm một chút, nấm mối mọc từng giề, xinh xinh, “mát mắt”. Vậy là người ta mê mải hái trong niềm vui của một mùa nấm mới.
Nấm hái về được người Phú Hữu dùng làm nhưn thay cho đậu xanh, giá, thịt ba rọi, tôm, để làm một món duy nhất đón Tết Đoan ngọ là bánh xèo. Nấm hái xong, đem về nhà, một người nhẹ tay rửa sạch. Một vài người khác lặt rửa rau sống. “Chuyên gia” đổ bánh, không ngừng tay cho vá bột màu vàng nghệ chan đều lòng chảo, đã tráng sẵn mỡ nước hoặc dầu ăn, phát ra tiếng kêu “xèo xèo” thật vui tai. Bánh đổ xong đem cúng, dọn xuống, cả nhà cùng ngồi bên nhau xúm xít ăn. Nhưng ngon nhất là những chiếc bánh vừa mới tráng, xông hơi nóng vào mặt, vừa giòn vừa béo vừa ngọt hòa trong vị đắng, chát, chua của các loại rau quả: cát lồi, đọt chiết, đọt sộp, đọt xoài, lá lụa, dưa leo… tươi non nõn.
Ở nông thôn Đồng bằng sông Cửu Long, Tết Đoan ngọ là ngày vui lớn thứ nhì trong năm, sau Tết Nguyên đán. Thoát thai từ Trung Quốc, nhưng Đoan ngọ ở đây có ý nghĩa khác, đó là ngày tết giữa năm, hoàn toàn mang bản sắc văn hóa Việt: con cháu đi làm ăn xa đều tụ tập về nhà, cúng kiến tưởng nhớ ông bà cha mẹ. Trong niềm vui sum vầy ấy, người lớn vừa ăn uống vừa kể chuyện mình đã làm được một cách tốt đẹp trong thời gian qua, còn lứa trẻ thầm thì với nhau những buồn vui của tuổi mới lớn. Không khí ngày tết đầm ấm và… ngon ấy cứ diễn ra khi “đáo lệ”.
Ở những nơi khác, nấm mối được chế biến thành nhiều món ăn hấp dẫn. Ăn bắt ngây là nấm mối hầm đuôi heo. Ăn quên thôi khi nấm mối được hầm nước cốt dừa, lá cách. Dù món nào, các thức ăn này cũng tạo cho người thưởng thức cảm giác ngon miệng, khó quên. Múc một ít nước hầm đuôi heo cho vô chén, húp một miếng, “vị ngọt của đất” chan hòa khắp mặt lưỡi, mùi thơm của thịt xông lên mũi. Riêng nước um nóng hổi, bốc hơi, cho mặt lưỡi tê tê vị ngọt bùi, béo đắng, không món nào sánh bằng. Cũng với vị đắng thơm thanh thoát của lá cách, khi xào với nấm sẽ là món ngon. Màu xanh đậm của lá cách lẫn màu ửng hồng của nấm thoảng thơm khiến bụng dạ cồn cào. Gắp nhai sẽ thấy cảm giác giòn, xốp, mịn của các tai nấm cùng vị ngọt hòa vị đắng thơm của lá cách như thấm tận niêm mạc dạ dày. Cắn miếng ớt hiểm xanh, vị cay của nó như nốt nhạc điểm xuyết một cách “điệu đàng”. Ăn như vậy đã ngon, nhưng nấm mối ngon nhất là những tai búp. Cho hột đậu phộng làm nhân rồi lăn nhẹ tai nấm trên dĩa muối ớt, sau đó dùng lá cách gói lại. Nướng vừa chín tới, đây sẽ là một món ngon bảo đảm không nhà hàng nào có được!
Có thưởng thức nấm mối rồi mới biết đây là loài nấm cho ta vị ngọt “ăn đứt” vị ngọt của nấm rơm, nấm mèo. Ngẫm kỹ mới biết nhờ sự “hoang dã” của nó, còn hai loại nấm kia là sản phẩm công nghiệp sản xuất đại trà! Ăn nấm mối (cũng như hơn 100 loài nấm ăn được khác), người ta còn được tăng cường sức đề kháng của cơ thể, chống sự lão hóa, làm giảm nguy cơ mắc các bệnh ung thư, tim mạch… Quả là một thức ăn tuyệt vời vì vừa “sạch” vừa ngon vừa có dược tính.
( Nguồn: Du lịch Việt Nam)
No related posts.